|
Tìm hoa trong bóng nước hồ Gươm |
Nhem nhuốc thế này thì có tội lắm...
Chỉ còn hơn 450 ngày nữa, Hà Nội sẽ đón chào đại lễ 1000 năm. Trong guồng quay hối hả của việc "nhà có cỗ", mọi công trình, mọi hoạt động dường như đều được "gắn mác" 1000 năm Thăng Long và điểm nhấn là 10 ngày lễ hội. Theo ông, thành phố 1000 tuổi sẽ có những gì còn lại?
- Dấu ấn của thành phố 1000 tuổi phải là những công trình tầm cỡ thật sự có ý nghĩa, khiến mọi người Hà Nội thấy tự hào. Nhưng đến giờ, những công trình như thế vẫn đang vắng bóng. Thư viện Hà Nội nhỏ nhoi quá. Bảo tàng Hà Nội đến lúc đó có thể xong phần vỏ, còn trưng bày những gì trong đó thì rất đáng lo.
Đến đại lễ 1000 năm giờ thấy chỉ là sự tổng hợp của những công trình "lặt vặt", không còn chỗ cho một công trình có tầm thiên niên kỷ. Tôi rất băn khoăn, bộ mặt thành phố lúc ấy liệu có đổi thay gì không? Cứ nhem nhuốc thế này thì có tội với lịch sử lắm.
Tháng 4/2009, Hà Nội đã chọn xong 9 tuyến phố lớn để lập qui hoạch xây dựng hai bên đường, 4 quảng trường để chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật và cải tạo, nâng cấp nhiều vườn hoa, công viên của Thủ đô trong đợt I (năm 2009). Theo ông, danh sách thành phố chọn đã "chuẩn" chưa? Có bỏ quên điểm nhấn nào của thủ đô không?
9 trục sẽ được lập qui hoạch xây dựng hai bên tuyến đường gồm: Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai - Văn Cao - Hồ Tây; Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương; Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi - Điện Biên Phủ; Đinh Tiên Hoàng; Hai Bà Trưng; Lý Thường Kiệt; Trần Hưng Đạo; Lê Duẩn - Giải Phóng - Bắc Linh Đàm; Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn - Nguyễn Trãi. |
- Chúng ta cần tập trung cho những tuyến phố chính và đẹp ở trung tâm thành phố. Tôi chưa thấy nhắc tên phố Bà Triệu, tuyến phố Hàng Bài - Phố Huế - Bạch Mai... là trục xuyên Bắc - Nam qua trung tâm thành phố. Thành phố có vẻ quyết tâm làm trên quy mô lớn, nhưng tôi rất băn khoăn với nội hàm của cụm từ "chỉnh trang" sẽ được thực thi ở đây.
Muốn bộ mặt phố thật sự thay đổi, có văn hóa và thẩm mỹ hơn, phải chỉnh trang kiến trúc 2 mặt phố đồng bộ với với dọn dẹp, làm đẹp vỉa hè, hệ thống cây xanh và chiếu sáng. Còn nếu chỉnh trang chỉ là lát lại vỉa hè (mà phố nào cũng như phố nào), thì kể cả có hạ ngầm toàn bộ và quét vôi lại cả phố chăng nữa cũng không có nhiều hiệu quả. Có thể sạch sẽ vài ngày, nhưng bộ mặt Hà Nội 1000 năm vẫn là "nham nhở".
Giờ mới làm tôi sợ không còn kịp
Nhiều phố Hà Nội đã và đang đồng loạt thay gạch lát vỉa hè rất giống nhau...
- Chất liệu cho hè phố phải tạo cảm giác chắc khỏe, màu sắc phải rõ ràng chứ không thể nhờ nhờ như loại đang được chọn lát cho hè phố quanh hồ Gươm. Còn phải tính loại vật liệu nào để khi trời mưa ướt, người người qua lại để vết chân bẩn cũng không bị "lộ". Các vật liệu nhẵn, bóng không hợp với vỉa hè vì vừa trơn lại rất dễ bẩn. Phải nghiên cứu chọn màu của vỉa hè cho phù hợp với kiến trúc của tuyến phố, với những loại cây đặc trưng của tuyến phố đó nữa.
Ông có thể nói rõ hơn về những phần việc cụ thể của chỉnh trang kiến trúc?
- Để đường phố đạt sự khang trang và đồng bộ, nhà cửa hai bên phải được tu bổ và sửa sang, những chỗ chắp vá phải được điều chỉnh, những đoạn đang lúi xùi tạm bợ thì cần đưa vào ngăn nắp trật tự chỉn chu. Với mỗi tuyến phố, chỉnh trang kiến trúc sẽ khác nhau, nên phải điều tra, nghiên cứu từng tuyến phố cụ thể, chứ không thể áp dụng một công thức chung máy móc.
Giờ mới làm tôi sợ không còn kịp, bởi chỉnh trang nhà cửa hai bên đường là vấn đề phức tạp, quan hệ trực tiếp đến người dân đang sống trong đó.
Ngay như việc hạ ngầm, ai cũng mong bộ mặt phố phường quang đãng, nhưng làm vội vàng thì không biết rồi đây dưới đất sẽ ra sao?
Thời gian ngắn ngủi còn lại, giới KTS có thể đóng góp gì cho dịp 1000 năm Thăng Long, thưa ông?
- Tôi nghe nói Hội KTS cũng đang vận động KTS góp sức với thành phố. Nhưng một công trình kiến trúc muốn làm cho đàng hoàng thì không thể chỉ trong vài trăm ngày.
Lúc này, giới KTS chỉ có thể tham gia vào việc chỉnh trang đường phố, đưa ra những ý tưởng độc đáo phù hợp với từng tuyến phố. Quan trọng là phải có một nhạc trưởng chỉ huy toàn bộ công việc, còn cách phân việc theo kiểu nơi lo sửa vỉa hè, nơi lo trồng cây, chỗ lo hạ ngầm... thì chẳng thể có một bộ mặt đẹp. Ngay như cuộc thi ý tưởng quy hoạch, thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận đã chấm thi xong cả nửa năm nay rồi, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy trao giải, khiến nhiều KTS trong cũng như ngoài nước rất băn khoăn. Những ý tưởng từ cuộc thi đó có thể giúp tạo nên bộ mặt hồ Gươm xứng đáng với 1000 năm Thăng Long.
Hồ hoa
Được biết ông có ý tưởng rất độc đáo: Hà Nội không nên "bắt chước" phố hoa của TPHCM, mà nên làm hồ hoa...
- Đúng vậy, Hà Nội nên lấy không gian xung quanh hồ Hoàn Kiếm để làm chủ đề hồ hoa. Hoa sẽ trên mặt hồ, quanh bờ hồ, cả những tuyến phố xung quanh. Đây chính là điểm đặc trưng mà Hà Nội khác những đô thị khác. Giới KTS có thể cùng góp sức để làm nên hồ Hoa đặc trưng của Hà Nội.
Thời gian còn rất ngắn, tôi mong thành phố sẽ tập trung sức làm thật tốt, vài tuyến phố thôi (như khu trung tâm chẳng hạn), nhưng tạo được điểm nhấn độc đáo, lâu bền.
Theo tôi, nên chỉnh trang các trục phố: Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi nối đến Cửa Nam ra Điện Biên Phủ - Lăng Bác rồi kết ở hồ Tây. Nối hồ Hoàn Kiếm với hồ Tây là gắn kết lịch sử - văn hoá mang yếu tố nước đặc trưng của Hà Nội. Con đường qua các trục phố trên hội tụ đủ ý nghĩa lịch sử-văn hoá đậm nét của Hà Nội văn hiến, anh hùng và hào hoa. Đây là những trục phố dễ chỉnh trang đẹp đẽ để đón khách đúng dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|